Skip to main content

Di tích Đền Bắc Lệ

Di tích Đền Bắc Lệ hay còn gọi là Đền Công đồng Bắc Lệ (Bắc Lệ Linh Từ) thuộc thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cách UBND xã 1km về phía Tây Bắc, cách thị trấn Hữu Lũng 13km về hướng Đông.

          Đền Bắc Lệ có kiến trúc hình chữ Tam, là một dãy nhà gồm ba ngôi nhà song song và nối mái liền nhau, kiến trúc gỗ, xây dựng bằng chất liệu gạch, mái lợp ngói mũi hài đặc trưng của những ngôi đền cổ của Việt Nam. Trong khuôn viên Đền gồm các hạng mục sau: Chính đền; Chầu Bé Bắc Lệ; Nhà quản lý; Gian sắp lễ, Bếp; ban Mẫu Bán Thiên, Nhà hóa sớ; Cổng Đền .

Nghi Môn Đền Bắc Lệ:

Nghi Môn Đền Bắc Lệ xây dựng vào năm 2010 nên còn rất mới, xây theo kiến trúc ba cửa (một cửa chính, hai cửa phụ) và một gác chuông. Gác mái của Nghi môn được xây dựng kiến trúc hai tầng tám mái, lợp ngói mũi hài, đỉnh mái có đắp  “Mặt nguyệt và hai đầu kìm” các đầu đao đều có trang trí vân mây, phía trong gác mái là quả chuông kích thước lớn. Bốn cột chính của Nghi Môn đều có câu đối, cửa chính có đắp chữ tên của đền là “Bắc Lệ Linh Từ”. Đỉnh các cột chính của Đền có đắp Phượng Chầu; và búp sen. Cửa chính của Nghi môn là cửa gỗ, kiến trúc Thượng song hạ bản, trạm khắc trang trí hoa văn tứ quý.

Tòa nhà Tiền đường

Đền chính được tôn tạo lại toàn bộ vào năm 2002. Tòa nhà nối liền với sân của đền bằng các bậc chất liệu gạch ốp đá xây giật ngũ cấp. Hai đầu hồi của bậc cửa cửa chính có trang trí đôi rồng chất liệu đá rất uy nghiêm, bên cạnh phần trang trí này là hai chiếc Bia đá cổ của Đền. Kiến trúc của tòa nhà Tiền Đường là ba gian hai trái xây dựng bằng chất liệu gạch. Phần mái: lợp ngói mũi hài đỏ. Đỉnh mái có đắp “Lưỡng long chầu nhật”, và hai bờ nóc đắp hai “con kìm”. Hai khúc nguỷnh có đắp đôi “con sô”, hai đầu mái đắp đôi rồng hướng thiên. Hai bên đầu hồi của Đền đều đắp nổi mặt Hổ Phù rất uy nghiêm. Phần cửa Đền thiết kế kiểu kiến trúc “Thượng song hạ bản”, phần hạ bản có khắc nổi họa tiết Tứ Quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Tất cả các cấu kiện kiến trúc làm từ chất liệu gỗ tại đền như: các cột, kèo, xà nóc, câu đầu, xà nóc, dui mẹ đều là làm từ các loại gỗ tứ thiết rất quý. Phía tường hồi hai bên là cửa sổ xây hình chữ Thọ tròn.

Hệ thống thờ tự:

Gian thờ này được sơn, thắp điện đẹp, trên xà nóc có treo nhiều nón Tu lờ, Thuyền giấy, Hài giấy...Đó là những phẩm vật để hầu việc Thánh, trên đôi câu đầu có đôi Rắn xanh, trắng, phía trước mỗi cung thờ đều có cửa võng và đôi Hoành Phi cùng Câu Đối, cùng rất nhiều đồ thờ tự đẹp và quí như: lư hương đồng, bát hương đồng, lọ lộc bình, hạc đồng, hoa....

Đây là nơi đặt Ban Công Đồng của Đền. Ban công đồng là nơi thờ tự của Ngũ Vị Quan Lớn bao gồm: Quan Đệ Nhất Thượng Thiên; Quan Đệ Nhị Thượng Ngàn; Quan Đệ Tam Thoải Phủ; Quan Đệ Tứ Khâm Sai; Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Mỗi vị quan lớn đều có một điển tích riêng, mỗi vị có một nhiệm vụ là cai quản một việc cụ thể khác nhau, là những vị quan lớn có uy lực lớn và rất linh thiêng.  Ban thờ này có bày 5 bức tượng của 5 vị quan lớn với 5 màu sắc áo khác nhau, vị trí đặt ngang hàng nhau. Tất cả các tượng đặt trong khám thờ bằng kính, cao 60cm, có trang trí họa tiết mây rồng, sơn son thếp vàng rất bắt mắt.

Phía dưới Ban thờ Công đồng là Hạ Ban thờ ngũ hổ: Gồm 5 bức tượng hổ và bát hương. Hai bên cạnh của ban thờ chính thờ có bày hai con Ngựa trắng và đỏ bằng chất liệu gỗ, kích thước lớn.

Tòa Trung đường

Tòa Trung Đường được trang trí nhiều đồ thờ tự: trên xà nóc có treo nhiều nón Tu lờ, Thuyền giấy, Hài giấy...Đó là những phẩm vật để hầu việc Thánh, trên đôi câu đầu có đôi Rắn xanh, trắng, cùng nhiều Hoành phi, Câu đối và các đồ thờ tự đẹp và quí như: lư hương đồng, bát hương đồng, lọ lộc bình, hạc đồng, hoa....

Cung Đức Vua Cha: Đây là Cung Đức Vua Cha được xây dựng thành hai bậc. Bậc dưới thấp hơn là ba pho tượng của bậc ông Hoàng gồm: Hoàng Bẩy, Hoàng Mười, Hoàng Bơ, là những vị thánh thường xuyên hiển linh và hầu cận cho Vua Cha Bát Hải. Bậc trên cao hơn là ba pho tượng với ba màu sắc áo khác nhau. Cả sáu pho tượng này đều được đặt trong khám thờ bằng kính cao 60cm. Phía dưới thấp hơn của hai bên cạnh của cung Đức vua cha là hai khám kính phía trong có 2 pho tượng Di lặc.

Ngoài ra còn đặt ở bên cạnh của Ban thờ này một bên là chiếc Chuông, chiếc khánh bằng đồng kích thước khá lớn và một chiếc trống, các bức hoành phi và câu đối, cửa võng đều được sơn son thếp vàng.

Tòa Hậu cung

Tòa Hậu cung bao gồm Cung Tứ Phủ Thánh Chầu; Cung Trần Triều, Cung Sơn Trang. Gian nhỏ phía sau là nơi thờ của Cung Tam Tòa Thánh Mẫu và thờ Phật.

Cung Tứ Phủ Thánh Chầu: các vị Chầu Bà trong hệ thống thờ tự Tứ Phủ cũng là những người phụ nữ nhân đức hay các nữ tướng có công với dân với nước nên khi từ trần được nhân dân thờ phụng và được tôn thành các vị Chầu Bà trong Tứ Phủ, được Vua Mẫu giao cho cai quản sông núi và mọi việc nhân gian. Hàng Tứ Phủ Chầu Bà có 12 vị Chầu tuy nhiên chỉ có một số vị Chúa Chầu thường xuyên hiển linh hơn cả.

Cung Tứ Phủ Thánh Chầu gồm các tượng thờ: Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên (áo đỏ); Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn (áo xanh lá cây); Chầu Đệ Tam Thoải Cung (áo trắng); Chầu Đệ Tứ Khâm Sai (áo vàng). Mỗi vị thánh chầu mang một màu sắc áo khác nhau để nhận diện. Các tượng thánh chầu đều được đặt trong am kính có trang trí sơn son thếp vàng rất đẹp. Theo hầu hai bên của cung thờ là đôi tiên đồng - ngọc nữ  đặt trong khám thờ bằng kính, cung thờ này có trang trí nhiều đồ thờ tự: trên xà nóc có treo nhiều nón Tu lờ, Thuyền giấy, Hài giấy...Đó là những phẩm vật để hầu việc Thánh, trên đôi câu đầu có đôi Rắn xanh, trắng, cùng nhiều Hoành phi, Câu đối và các đồ thờ tự đẹp và quí như: lư hương đồng, bát hương đồng, lọ lộc bình, hạc đồng, hoa....

Cung Trần Triều: được bài trí thờ tự ở vị trí riêng, bên phải của Cung Tứ Phủ Thánh Chầu

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là tín ngưỡng dân gian Việt nam, được hình thành từ quá trình thánh hóa, thần hóa một nhân vật có thật trong lịch sử, anh hùng dân tộc Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, ông là vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, hộ quốc an dân, diệt trừ tà ma và chữa bệnh.

Cung Trần Triều bao gồm: 01 pho tượng Trần Hưng Đạo ngồi trên ngai đặt trong khám kính được sơn son thếp vàng rất đẹp. Cung thờ này được trang trí rất nhiều đồ thờ tự quý như: lư hương đồng, bát bộ binh khí chất liệu đồng, cây nến đồng, cửa võng và hoành phi câu đối đều sơn son thếp vàng.

Cung Chúa Sơn Trang: được bài trí thờ tự ở vị trí riêng, bên trái của Cung Tứ Phủ Thánh Chầu. Cung này bao gồm 01 tượng Chúa Sơn Trang với màu trang phục xanh lá cây đặt trong khám thờ bằng kính có trang trí và sơn son thếp vàng rất đẹp. Sát hai bên cạnh của Khám thờ Chúa Sơn Trang là hai tiên cô theo hầu chúa, đều được đặt trong am kính. Ở vị trí phía trước liền với khám thờ Chúa Sơn Trang là là 12 tiên cô theo hầu vị thánh Chúa này, 12 pho tượng này có kích thước nhỏ, đặt trong am kính. Cung thờ này có trang trí nhiều đồ thờ tự: trên xà nóc có treo nhiều nón Tu lờ, Thuyền giấy, Hài giấy...Đó là những phẩm vật để hầu việc Thánh, trên đôi câu đầu có đôi Rắn xanh, trắng, cùng nhiều Hoành phi, Câu đối và các đồ thờ tự đẹp và quí như: lư hương đồng, bát hương đồng, lọ lộc bình, hạc đồng, hoa....

Cung cấm (phía sau của Cung Tứ Phủ Thánh Chầu)

Khám thờ nhỏ sau cung thuộc Gian Hậu Cung bao gồm: ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu phía dưới thấp, trên cùng vị trí cao nhất là ban thờ của đức Phật Adiđà.

Ban thờ  Tam Tòa Thánh Mẫu

Ban thờ này có trang trí nhiều đồ thờ tự rất đẹp: trên xà nóc có treo nhiều nón Tu lờ, Thuyền giấy, Hài giấy...Đó là những phẩm vật để hầu việc Thánh, trên đôi câu đầu có đôi Rắn xanh, trắng, cùng Hoành phi, Câu đối, Cửa võng đều sơn son thếp vàng rât đẹp và các đồ thờ tự đẹp và quí như: bát hương đồng, lọ lộc bình, hạc đồng, hoa....

Cung thờ này gồm có: ba pho tượng Tam tòa Đức Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Đây là ba vị thánh mẫu có vị trí cao nhất trong hệ thống Đạo Mẫu Tam Phủ ở Việt Nam. Mỗi vị thánh chầu mang một màu sắc áo khác nhau để nhận diện.

Ban thờ Đức Phật Adiđà.

Đặt ở vị trí cao nhất ở Gian hậu cung, gồm có một pho tượng Adiđà cùng một số đồ thờ tự như: đỉnh đồng, bát hương đồng, đôi lọ lộc bình bằng ngọc....và các đồ thờ tự quý giá khác.

Cung Chầu Bé Bắc lệ

Cung thờ này được xây riêng lẻ, nằm ở phia bên trái lối lên của Đền Bắc Lệ.

Lầu Chầu bé được tôn tạo lại năm 2002, xây dựng chất liệu gạch. Phần mái: lợp ngói mũi hài đỏ. Đỉnh mái có đắp đôi “Lưỡng long chầu nguyệt”, và hai bờ nóc đắp hai “con kìm”. Hai đầu đao đắp rồng hướng thiên. Hai bên đầu hồi của Đền đều đắp nổi mặt Hổ Phù rất uy nghiêm. Phần cửa Đền thiết kế kiểu kiến trúc “Thượng song hạ bản”, phần hạ bản có khắc nổi họa tiết Tứ Quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Đỉnh hai chiếc cột đầu hồi của gian thờ Chầu Bé có đắp hai con Nghê.  Tất cả các cấu kiện kiến trúc làm từ chất liệu gỗ tại đền như: các cột, kèo, xà nóc, câu đầu, xà nóc, dui mè đều là làm từ các loại gỗ tứ thiết rất quý.

Hệ thống thờ tự của Chầu Bé.

Được đặt ở vị trí trang trọng nhất của gian thờ là ban thờ của Chầu Bé Bắc Lệ, là một pho tượng trong tư thế ngồi, choàng áo xanh đặt trong khám thờ kính có trang trí cửa võng, các họa tiết hoa văn rồng, mây sơn son thếp vàng rất đẹp. Theo hầu Chầu bé là hai pho tượng Cô bé và Cậu bé được đặt hai bên ngai thờ của Chầu đều đặt trong khám thờ bằng kính trang trí son son thếp vàng.

Gian thờ này được sơn, thắp điện đẹp, trên xà nóc có treo nhiều nón Tu lờ, Thuyền giấy, Hài giấy...Đó là những phẩm vật để hầu việc Thánh, trên đôi câu đầu có đôi Rắn xanh, trắng, phía trước mỗi cung thờ đều có cửa võng và đôi Hoành Phi cùng Câu Đối, cùng rất nhiều đồ thờ tự đẹp và quí như: lư hương đồng, bát hương đồng, lọ lộc bình, hạc đồng, hoa....

Ban thờ Mẫu Bán Thiên: Đặt ở vị trí Ngoài sân, phía trước bên trái cửa Đền, trong ban thờ gồm có một pho tượng Mẫu Bán Thiên đặt trong khám thờ bằng kính.

Di tích Đền Bắc Lệ với tính chất là di tích tín ngưỡng dân gian, đây là nơi mọi người dân địa phương và trong vùng đến để thỏa mãn nhu cầu Văn hóa tâm linh, hướng tâm hồn và gia đình mình tới những điều tốt đẹp  nhất, qua đó gắn kết những tinh thần cộng cảm của cộng đồng và phát huy tinh thần gữi gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Di tích Đền Bắc Lệ là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo. Mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn của hàng triệu triệu du khách thập phương đến để hành lễ, tham quan du lịch.

Di tích đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 1992 (Quyết định số 535/QĐ-UB ngày 25/10/1992 của UBND tỉnh).

Hoàng Tuyết

Phòng VH&TT

 

 

About