Skip to main content

Di tích Đền Bậm

 

 

Di tích Đền Bậm thuộc thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền cách quốc lộ 1A khoảng 3km, cách Trung tâm xã Minh Sơn 7 km về hướng Đông Nam.

           Di tích đền Bậm được xây dựng trên một khu đất rộng (diện tích 205m2). Bên phải và trước mặt của đền là dòng sông Thương. Bên trái đền giáp với khu đất vườn nhà dân thôn Bến Lường trước đền là lạch nước nhỏ. Xung quanh Đền có nhiều cây cổ thụ lâu năm. Đền được xây dựng cách nay đã lâu có kiến trúc hình chữ nhất là chia ba gian, có diện tích 60m2,Qua điều tra hồi cố và lịch sử đền thì được biết trước đây bản đền đã được các triều Vua phong sắc (hiện nay bản Đền còn giữ bản sao của 3 bản sắc phong) 3 bản sắc phong vào những năm: Minh mệnh 21 – 1840; Năm Duy Tân 3  - Kỷ Dậu 1909; năm Khải Định 9 - Giáp Tý 1924. Theo bản dịch sắc phong thì Đền Bậm thờ Cao Sơn thượng đẳng thần.

Tín ngưỡng thờ Cao sơn làm thành hoàng Làng không chỉ riêng ở Lạng Sơn mà ở nhiều nơi trong các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng có. Song sự tôn thờ vị thần này ở vùng Bắc Giang (xưa, nay là Hữu Lũng – Lạng Sơn) tương đối đậm đặc. Đi theo sự thờ cúng này còn có các lễ hội làng nhằm tôn vinh hơn nữa vị thần linh thiêng này.

Thần Cao Sơn là một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18 đã có công giúp Hùng Duệ Vương phá tan chúa Thục đến xâm lăng, lập nhiều chiến công hiển hách bảo vệ bờ cõi đất nước, muôn dân được ấm no, yên bình. Nên tại rất nhiều nơi thuộc miền trung du Bắc bộ nước ta có di tích thờ vị tướng nổi danh này, điều này được thể hiện rõ nhất qua những bản sắc phong vẫn còn được lưu giữ lại tại các di tích tín ngưỡng.

Ảnh: Di tích Đền Bậm

            Đền Bậm với tên gọi là Đền nhưng không bao gồm hệ thống thờ tự như một ngôi đền theo Đạo Mẫu với đầy đủ hệ thống tượng pháp, vị trí, ngai ngôi thờ theo đúng chuẩn của Tứ phủ. Mà ở đây là có sự không hợp nhất giữa tên gọi của di tích và hệ thống thờ tự bên trong thuộc đền. Đền Bậm thực chất là nơi thờ chính của vị thần Cao Sơn – một vị tướng quân thời Hùng Vương thứ 18-  một vị thần cai quản núi rừng, bảo hộ cho dân làng được bình yên. Qua thời gian cùng với thiên nhiên khắc nghiệt Đền bị xuống cấp, được nhân dân được xây dựng lại vào năm 2015 nên tất cả các thành phần kiến trúc của Đền đều mới với thiết kế xây dựng đơn giản, chất liệu xây dựng là gạch ba banh, mái lợp ngói đỏ thường, trên đỉnh mái ở 2 đầu đắp đôi rồng hướng thiên và chữ T, ở giữa đỉnh mái đắp hình mặt nguyệt. Tất cả các phần cấu trúc mái (dui, mè), cột kèo đều được xây dựng rất đơn giản. Cửa đền chia thành 3, mỗi gian đều có một cửa, cửa thiết kế kiểu thượng song hạ bản. Phía tường bên ngoài sát cửa chính đền có sơn vẽ hình hai vị thần cầm đao đứng canh cửa rất uy nghi. Trước khi vào đền phải đi qua hai pho Tượng này, đây là hai vị thần uy nghi ngoài cửa để ngăn tà quái xâm nhập không tốt tới chốn thanh tịnh thiền môn...

Phần hiên xây thành 4 cột trụ, phía trước hai cột trụ giữa có khắc nổi đôi câu đối. Phần sân của Đền được lát bằng gạch đỏ rất rộng và sạch sẽ.

          Trong khuôn viên Đền Bậm gồm có các hạng mục kiến trúc khác: Miếu thờ thổ công; ban thờ mẫu Bán thiên, 01 tháp 3 tầng xây bằng chất liệu gạch chỉ để thô

Lễ hội Đền Bậm được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng, ngày 6/5 âm lịch là ngày nhật kỵ của thần Cao Sơn. Ngoài ra vào các ngày Sóc, ngày Vọng hàng tháng đền vẫn mở cửa cho mọi người đến tham quan và lễ đền.

Đền Bậm mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học không chỉ bởi những di vật còn lưu lại tại Đền mà còn bởi tính chất linh thiêng của vị thần được thờ tự nơi đây, bởi sự cố kết cộng đồng rất chặt chẽ của người dân địa phương nơi có di tích. Hiện nay Đền còn lưu giữ bản sao của 3 sắc phong của cá triều đại vua phong sắc cho vị thần được thờ tại Đền, hệ thống thờ tự, hoành phi câu đối, văn tế liên quan đến các vị thần và gốc tích địa phương. ..Đó là những hiện vật hết sức quý báu tiềm ẩn nhiều giá trị về vật chất và tinh thần, thông qua đó sẽ giúp cho người dân hiểu hơn về các tầng lớp văn hóa, lịch sử truyền thống, giải mã được những bí ẩn còn tồn tại trong ký ức văn hóa của cá nhân cộng đồng và không gian văn hóa của Đền Bậm.

Đền Bậm và những giá trị kèm theo gắn với di tích là sản phẩm của văn hóa làng là biểu tượng tinh thần của lối sống cộng đồng, tự trị và dân chủ làng xã, là niềm tự hào của nhân dân địa phương.

       Ngoài ra đây còn là nơi thu hút mọi người dân ở địa phương và trong vùng, du khách thập phương đến để thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh cầu tài, cầu lộc, cho mỗi cá nhân cũng như gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc làm ăn phát đạt...     

Năm 2021 Đền Bậm đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh.

 

Nguyễn Dũng

Phòng VH&TT

 

About