Skip to main content

Lễ hội Trò Ngô (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia)

Lễ hội Trò Ngô ở Làng Giàng, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức 2 năm tổ chức lần vào ngày 9, 10 tháng Giêng. Lễ hội gắn liền với di tích Chùa Sơn Lộc. Mô tả lại quá trình đánh giặc cứu dân giúp nước thoát khỏi ách thống trị Đông Hán (quân Phục Ba Tướng Quân – Mã Viện) của hai vị Thượng Đẳng Thần là Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát và ông Nghè Vũ Lôi Quận Công. Hai vị tướng này đã có công đánh giặc thắng trận, bắt được tướng giặc Ngô, sau đó hiển thánh tại chùa Sơn Lộc (Sơn Lộc Tự) và nghè Vũ Lôi Quận Công, anh linh của 2 vị thánh phù hộ dân làng cầu được ước thấy.

          Chuyện kể rằng: Khi giặc Ngô xâm phạm bờ cõi nước ta, hai vị tướng Đức Thanh Lãng và Vũ Lôi Quận Công đã chia quân ra theo hai hướng để đánh giặc, bảo vệ quê hương. Đạo quân thứ nhất do Đức Thanh Lãng cùng 4 tướng chặn đánh ở đèo “Cây Vông(1). Đạo quân thứ hai do Vũ Lôi Quận Công cùng 4 tướng tiến quân đến đánh giặc tại cánh đồng “Hữu Liên(2). Đạo quân do Vũ Lôi Quận Công chỉ huy, khi hành quân đến cánh đồng “Nà Mò(3) thì trời vừa sầm tối, bị rơi vào thế trận phục kích của quân giặc. Trong trận chiến đấu phá vòng vây, các tướng lĩnh của Vũ Lôi Quận Công bị thương vong khá nhiều. Nhưng với tài trí thao lược, Vũ Lôi Quận Công đã dùng kế dụ địch vào thế trận phục kích của mình để đánh tan quân xâm lược và bắt sống tướng giặc tại cánh đồng “Mỏ Lỏng(4). Tên tướng giặc bị bắt sống được áp giải đến giam tại “Am Chỉ(5). Bị giam giữ, tên tướng giặc một mực không chịu khai rồi tự vẫn. Sau này, nhân dân địa phương đã lập nơi để hương khói cho tướng giặc và phong cho tước Am Chỉ Đại Thần. Sau khi đánh thắng giặc, Vũ Lôi Quân Công tạm lui về nghỉ tại am quán làng Diễn… Sau này, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Ngài, nhân dân địa phương đã dựng nghè để thành kính hương khói phụng thờ; việc hương khói được nhân dân duy trì đầy đủ vào các ngày sóc, ngày vọng và các ngày lễ trong năm.

Với công trạng đánh giặc cứu nước, phù hộ dân làng được bình yên, từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 triều đình phong kiến Việt Nam đã phong tặng năm sắc phong và tôn Đức Thanh Lãng là Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh, tôn thần nguyên tặng Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát Thượng Đẳng Thần. Ngài được thờ tại Sơn Lộc Tự.

Tám tướng đi đánh giặc thắng trận trở về, đem tám thanh gươm nộp vào kho và trở thành gươm quý của làng.

Bị thua trận, triều đình nhà Ngô đã cử sứ giả đem những của cải, lễ vật đến tiến cống Vua nước Nam và hai nước lặp lại mối tình giao hảo như xưa.

          Từ đó Làng Giàng cứ cách hai năm mở hội Trò Ngô một lần để mừng thắng lợi và tưởng nhớ tới các vị tướng, và nghĩa quân đã có công đánh giặc Ngô cứu dân giúp nước. Đến ngày hội, tám thanh gươm được tám trai đinh múa (múa Dậm) tái hiện lại trận đánh xưa kia. Từ đó đến nay tám thanh gươm đó luôn được coi là bảo vật linh thiêng của làng Giàng, được trao truyền qua các thế hệ gìn giữ và dùng trong các dịp tổ chức lễ hội.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần Lễ và phần hội

1.  Phần lễ: Từ ngày mùng 09 tháng giêng, Lềnh cả, Lềnh hai, Hương trưởng, Bàn nhì, 08 quan viên tế, 28 trai đinh cùng các lão làng đến chùa Sơn Lộc nghè Vũ Lôi Quận Công thắp hương làm lễ mời các Thánh rước ngai thờ Thánh Cả, Thánh Hai, Thánh Ba ra khung thành hội để làm lễ tế chay. Tại đây, ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn một mâm lễ tế gồm: chè lam, bỏng, hoa quả, bánh kẹo, hương hoa… lềnh cả đứng ra khấn báo các các thánh thần cho dân làng được mở hội. Kết thúc lễ tế chay, các ngai thờ được đoàn rước rước trở lại chùa và nghè.

Đến sáng sớm ngày mùng 10 tháng giêng, các thành viên đoàn làm lễ tế chay hôm trước và 8 tướng Kim Cương cùng đông đảo dân chúng tham dự hội gióng cờ, chiêng, trống, kèn, thanh la đến chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công để làm lễ và rước các Thánh Thần ra dự hội.

Ảnh: Lễ hội Trò Ngô Làng Giàng xã Yên Thịnh.

 

Tại chùa Sơn Lộc, sau khi Lềnh cả thực hiện xong các thủ tục khấn bái, 08 trai đinh khiêng ngai thờ Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh, Bà Chúa Mỏ Dương ra khung thành hội. Đội hình đoàn rước được xếp thành hai hàng dọc song song nhau, khoảng cách giữa 02 hàng rộng 3 mét. Đi trước đoàn rước là đội múa sư tử và đội nhạc gióng chiêng, trống, nhị, kèn, thanh la… Tiếp đến là ông Lềnh cả, Lềnh hai, ông hát cái và 24 ông Hương của 12 dòng họ, theo sau là hai người bưng hai mâm lễ (một mâm lễ chay, một mâm xôi gà). Tiếp đến là 8 tướng Kim Cương vác gươm sắt đi đan xen với các trai đinh cầm cờ ngũ sắc; kế tiếp là các trai đinh khiêng ngai Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh và ngai Bà Chúa Mỏ Dương, đi bên cạnh hai ngai thờ là hai người cầm hai tán lọng để che ngai. Theo sau là các lão làng cùng đông đảo nhân dân tham dự hội. Khi đám rước đi đến trước cửa nghè Vũ Lôi Quận Công, có thêm đoàn rước ngai thờ Vũ Lôi Quận Công đã chờ sẵn trước đó gia nhập cùng đoàn và cùng đi thẳng tới Ban điện - khung thành hội Làng Giàng, nơi tổ chức lễ hội.

Đến Ban Điện khung thành hội, các ngai thờ được đặt theo thứ tự, hướng nhìn về phía Tây, Ngai Đức Thánh Cả được đặt chính giữa, bên trái là ngai Bà Chúa Mỏ Dương, bên phải là ngai ông Nghè Vũ Lôi Quận Công. Các mâm lễ được nhóm phụ trách nghi lễ bày biện phía trước ngai theo thứ tự: Mâm lễ của Lềnh cả gồm có xôi, thịt lợn, thủ lợn, rượu trắng đặt ở ngai Thánh Cả. Mâm lễ của Lềnh hai, ba anh em Chứa phe đặt tại ngai Thánh Hai, Thánh Ba. Phía trước các ngai thờ là các mâm lễ của 08 quan viên tế, cai đám gồm có cỗ xôi màu vàng, gà luộc. Tiếp đến là các mâm cỗ được đặt theo hàng dọc, mâm cỗ phe Thượng đặt bên trái, mâm cỗ phe Hạ đặt bên phải. Trước khi làm lễ tế thần, để thể hiện sự tôn kính trong việc dâng lễ vật lên thần linh, Lềnh cả và ba anh hàng phe đi kiểm tra lại các mâm cỗ một lần nữa, nếu phát hiện mâm cỗ nào không đạt yêu cầu thì Lềnh cả dùng que đũa cắm xuống và yêu cầu bỏ ra ngoài.

Các thủ tục tế lễ diễn ra trong khoảng hai giờ đồng hồ. Để thực hiện các nghi thức tế lễ, làng cử ra một anh oản thường xuyên túc trực bên các ngai tại Ban Điện để lo thắp nhang, dâng trà, tửu, hương hoa cho các thánh thần. Phía dưới các mâm lễ là anh Cai đám quỳ gối thực hiện các động tác lễ bái, đứng hai bên anh Cai đám là tám quan viên tế đứng thành hai hàng dọc. Phía trước mặt mỗi hàng quan viên tế được kê 01 chiếc bàn, trên mặt bàn được bố trí 08 đài son để thực hiện các nghi lễ dâng trà, rượu. Ngồi ở vị trí phía sau các quan viên tế là Lềnh cả, Lềnh hai, Hương trưởng, Bàn nhì của 12 dòng họ.

Các thủ tục tế lễ được tiến hành. Một hồi trống, chiêng, thanh la, kèn, nhị vang lên. Chủ tế (ông hát cái) đọc chúc văn, lời khấn thần. Các quan viên tế dâng tửu, trà ngang mặt; anh Cai đám thực hiện các bước dâng hương tửu, trà; anh oản trên Ban Điện đón nhận dâng lên các ngai và thắp hương mời các thánh thần. Lềnh cả, Lềnh hai, 24 ông hương làm các thủ tục quỳ bái. Các bài tế xướng khấn như sau:

- Tuần 1:

Cổ sở nghiêm, cổ tái nghiêm, tế ban nhã nhạc thương củ soát, tế vật phế mao chấp giả kỳ sự. Tế quan dữ chấp, sự quan các, nghệ quán tẩy sở, quán tẩy phế khảm. Bồi tế quan tự vị, tế quan tựu vị thượng hưởng (hai ông quan tế lên hương tuần 1). Nghinh thần cúc cung (4 bái) bình thân.

Lời khấn:

Con họ xin kêu lạy

Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh tôn thần nguyên tặng Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát Thượng Đẳng Thần hộ quốc tỷ dân, nẫm trữ linh ứng tiết mông ban cấp sắc Sơn Lộc Tự, Sắc Quý Minh đại  vương thượng đẳng thần từ hạ.

Bà Chúa Mỏ Dương tôn thần từ hạ

Giai Nang, Hoàng Mân tôn thần từ hạ

Vũ Lôi Quận Công thần thông biến hóa dương dương

Tại thượng trạc trạc quyết linh tôn thần từ hạ

Thổ công chúa đất Dương Bình thôn tôn thần từ hạ

Thổ công Sơn Lộc Tự tôn thần từ hạ

Am chỉ đại thần từ hạ

Cập thần hậu, thập nhị gia, tiên tổ, liệt vị tổ tiên từ hạ.

Năm cũ qua bước sang năm mới, con họ xin kêu thần cảm tấu vị Đại Nam quốc bắc, Lạng Sơn tỉnh, Hữu Lũng huyện, Yên Thịnh xã, Dương Bình thôn cung hộ tái tuế tại năm Canh Thìn niên xuân thiên chính ngọ, sơ thập nhật. Hôm nay con họ đất Dương Bình thôn đến lễ hội “Trò Dài”, “Trò Ngô” của người nên con họ có lễ vật cỗ tạm bàn phù lưu tâm lang hương đăng đẳng vật độ lên ngai vàng của người ở đông tây nam bắc. Người lai lâm giáng họa ngai vàng để cho con họ cúng tế 3 tuần rượu. Người được ăn uống no say, nhất tuần, nhị tuần, tam tuần. Sau đây người bằng lòng phải phép phù hộ cho con họ sang năm nay là năm… làm ăn, con người thì bình yên, con của thì thịnh. Trên nhà con người, dưới bãi con trâu con bò, con lợn, con gà hay ăn chóng nhớn. Ngoài đồng cây lúa, cây mạ, cây ngô, cây khoai sắn xanh tốt hơn xã người, tươi hơn xã bạn, làm đâu được đấy, làm một nẩy mười. Đồng dưới đổ lên đồng trên xô xuống, tô bồ tát bạt. Con người đi xa về gần, đi quan quan yêu, về dân mền, Khấn sao được vậy, lạy người vạn lạy.

Có phải các ngài đã về tọa ngự ngai vàng ăn uống no say nhất tuần, nhị tuần, tam tuần.

Bằng lòng phải phép cho con họ xin đệ nhất âm dương (Ông chủ tế làm động tác xin âm dương).

Dạ lạy vạn lạy, được âm dương rồi!

- Tuần2:

Xướng tế: hành sơ hiến lễ, nghệ tưu tôn sở tư tôn giả cư mịch tước tửu (lên rượu).

Xướng tế tiếp: Nghệ đại vương thần vị tiếp quỳ tiến tước, hiến tước như phục (2 bái). Bình thân phục vị, đọc, chúc nghệ, đọc chúc vị giai quỹ chuyển chú phủ phục (2 lễ).

Lời khấn:

Đại vương đức Thánh Cả Sắc Quý Minh tôn thần nguyên tặng Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát Thượng Đẳng Thần hộ quốc tý dân mẫm tước linh ứng tiết mông ban cấp Sơn Lộc Tự, Sắc Quý Minh Đại Vương Thượng đẳng thần từ hạ.

Bà Chúa Mỏ Dương tôn thần từ hạ

Hoàng Mân tôn thần từ hạ

Giai Nang tôn thần từ hạ

Lôi Vũ Quận Công thần thông biến hóa dương dương tại thượng trạc trạc quyết linh tôn thần từ hạ

Thổ công chúa đất Dương Bình thôn tin thần từ hạ

Thổ công Sơn Lộc Tự tôn thần từ hạ

Am chỉ đại thần từ hạ

Cập thần hậu, thập nhị gia tiên tổ liệt vị tổ tiên từ hạ.

Đại vương, dương dương tại thượng cảm cầu tất ứng trạc trạc quyết linh sở nguyện tất tòng chinh lâm chúa tể. Diện nhấn nhất phương, dương cảnh thần linh quyền các tứ hướng, chí tinh, chí xuất bảo hộ đồng thôn, vật thịnh nhân khang nãi thánh nãi thần phù phù hương ấp. Tỷ xương tỷ thức khứ trừ hoàng trùng dịch lệ, ủng hộ đồng thôn niên niên tăng tiến khoa mục, tể tướng công hầu văn võ bá quan hàng dự triểu phù trì trư gia. Nam nữ, lão ấu thịnh đa. Bảo hộ nông canh, tằm tơ vạn bội, bất đắc sản nhập hương lý nguyện cầu, đại vương phù hộ đồng thôn nghinh minh niên thường, lệ xuất xuân tiết, tủu lễ thành tâm, kính tế phục duy thượng hưởng cẩn cáo.

Phủ phục (2 bái) bình thân phục vị.

- Tuần 3:

          Xướng tế: Hành á hiến lễ, nghệ tửu tôn sở tư tôn giả cư mịch. Tước tửu (lên rượu). Nghệ đại vương thần vị tiên quỳ tiến bước, hiến tước phủ phục (2 bái) bình thân phục vị.

          - Tuần 4:

          Xướng tế: hành trung hiến lễ, nghệ tửu tôn sở tư tôn giả cư mịch. Tước tửu (lên rượu). Nghệ đại vương thần vị tiên quỳ tiến tước, hiến tước phủ phục (2 bái). Bình thân phục vị ẩm phước, thụ trá phủ phục (2 bái).

          Bình thân phục vị, tư thần cúc cung bái (4 bái).

          Bình thân.

          Phần chúc lễ tất (hóa văn)

          Kết thúc tuần rượu thứ 4 cũng là lúc Lềnh cả, Lềnh hai và 24 Ông hương hoàn thành các thủ tục của phần lễ. Sau khi ban tế thực hiện nghi thức tế xong, nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương đến dâng lễ, thắp hương, cầu mong một năm mới hạnh phúc và may mắn…

Ảnh: Lễ hội Trò Ngô Làng Giàng xã Yên Thịnh

 

2.  Phần hội: Thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia các trò chơi, các tiết mục biểu diễn văn nghệ, các trò diễn dân gian đặc sắc… làm cho Lễ hội Trò Ngô trở nên sôi động, hấp dẫn.

- Trò nhảy dậm: Trò nhảy dậm (múa gươm) mở đầu cho phần hội của Lễ hội Trò Ngô. Để tưởng nhớ 8 đội quân đã có công đánh giặc cứu dân, giúp nước. Đến ngày hội 8 thanh gươm được 8 trai đinh của làng tập múa tái hiện lại trận đánh. Cùng tham gia trò này có ông Hát Cái chỉ huy và một chấp hiệu đánh trống. Tám tướng Kim Cương xếp thành hai hàng thực hiện các động tác múa gươm theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung. Với nội dung quyết tâm luyện tập để đi đánh giặc.

Sau phần này tám tướng Kim cương tay cầm gươm chạy từ khung thành hội xông lên phá đồn giặc. Khi đồn bị hạ cùng lúc đó, đám khói bốc lên, lá cờ đen đầu hàng được giương lên, tám tướng Kim Cương quy về ban Phật báo cáo kết quả chiến thắng quân Ngô trước Tam tòa đức Phật. Kết thúc trò nhảy dậm, thầy độ cùng với thầy chùa nhảy động tác hàn chì. Mục đích là bắt quỷ, trừ tà, cầu đức phật ban cho “Nhân khang vật thịnh”, “mùa màng bội thu”…

Trò diễn nhảy dậm gồm các nội dung sau:

          +) Trò diễn trấn trạch ngũ phương

          Người chỉ huy hát: Thiên Bồng, Thiên Bồng, cửu truyền sát bồng lục hằng đô chi thượng đế bắc cực hạ lâm thiên chu cửu châu ta lại sát hề sát.

          Thích đế thiên niên, thiên hựu thạp trù địa hựu cửu lương bát phương quỷ thần, đồng công giai chí thượng bộ Kim Cương, khu tà sát mộc ta lại hề sát.

          (8 tướng Kim Cương thực hiện động tác múa trấn trạch ngũ phương).

          Chỉ huy tiếp tục:

                   Đông phương Thanh Đế biến như thanh điện

                   Nam phương Xích Đế biến như xích điện

                   Tây phương Bạch Đế biến như bạch điện

                   Băc phương Hắc Đế biến như hắc điện

                   Trung phương Hoàng Đế biến như hoàng điện

          (Khi trấn trạch phương nào thì 8 tướng Kim Cương múa quay người về phương đấy)

          +)  Trò diễn quyết tâm luyện tập để đi đánh giặc:

          Người chỉ huy hát:

          Tám tướng Kim Cương, tám tướng Kim Cương, những tướng thanh hắc mã kim cương đứng thủ đàn cờ chỉ đâu bắt đấy, bao nhiêu thằng qủy bắt chém cho tinh.

          Đông phương sát thổ cửu nhan huyền cô, thần chi tối linh thăng thiên nhập địa, xuất thu nhập minh ta lại hề sát (sát ở khu vực phương Đông, 9 khu vực tiên cô huyền bí, sự linh thiêng của thần phật, tiến vào 8 phương trời đất ra tối vào sáng, ta lại hề sát).

          Nam phương sát thổ, cửu nhan huyền cô thần chi tối linh thăng thiên nhập địa, xuất thu nhập minh ta lại hề sát (sát ở khu vực phương Nam, 9 khu vực tiên cô huyền bí, sự linh thiêng của thần phật, tiến vào 8 phương trời đất ra tối vào sáng, ta lại hề sát).

          Bắc phương sát thổ, cửu nhan huyền cô thần chi tối linh thăng thiên nhập địa, xuất thu nhập minh ta lại hề sát (sát ở khu vực phương Bắc, 9 khu vực tiên cô huyền bí, sự linh thiêng của thần phật, tiến vào 8 phương trời đất ra tối vào sáng, ta lại hề sát).

          Tây phương sát thổ, cửu nhan huyền cô thần chi tối linh thăng thiên nhập địa, xuất thu nhập minh ta lại hề sát (sát ở khu vực phương Tây, 9 khu vực tiên cô huyền bí, sự linh thiêng của thần phật, tiến vào 8 phương trời đất ra tối vào sáng, ta lại hề sát).

          Trung phương sát thổ, cửu nhan huyền cô thần chi tối linh thăng thiên nhập địa, xuất thu nhập minh ta lại hề sát (sát ở khu vực phương Đông, 9 khu vực tiên cô huyền bí, sự linh thiêng của thần phật, tiến vào 8 phương trời đất ra tối vào sáng, ta lại hề sát).

          (Khi người chỉ huy hát đến phương nào thì 08 tướng Kim Cương múa quay người về phương đấy)

          +)  Trò diễn tiến công đồn giặc:

          Người chỉ huy hát: Tám tướng Kim Cương, tám tướng Kim Cương, những tướng thanh hắc mã kim cương đứng thủ đàn cờ chỉ đâu bắt đấy, bao nhiêu thằng qủy bắt chém cho tinh.

          Tiến lên các hướng:

                   Đông phương Thanh Đế  tay cầm cờ chỉ mãi đông phương

                   Nam phương Xích Đế tay cầm cờ chỉ mãi nam phương

                   Tây phương Bạch Đế tay cầm cờ chỉ mãi tây phương

                   Bắc phương Hắc Đế tay cầm cờ chỉ mãi bắc phương

                   Trung phương Hoàng Đế tay cầm cờ chỉ mãi trung phương

                   Tám tướng Kim Cương, tám tướng Kim Cương những tướng thanh hắc mã Kim Cương đứng thủ đàn cờ chỉ đâu bắt đấy bao nhiêu thằng quỉ bắt chém cho tinh.

          Xuống quỳ phá đồn giặc.

          Khi nhịp trống dồn dập, người chỉ huy cùng tám tướng Kim Cương tay cầm gươm chạy từ khung thành hội xông lên đánh đồn giặc. Lúc này, tại đồn giặc trở nên hỗn loạn, tiếng người trong đồn nhốn nháo hò reo,… một đám khói đen nghi ngút bốc cuộn lên từ đồn Bà Dầu, lá cờ đen của giặc giương lên đầu hàng. Khi đồn giặc bị hạ, tám tướng Kim Cương quay trở về khung thành hội, chạy đến báo cáo kết quả chiến thắng quân Ngô với Tam Tòa Đức Phật chùa Sơn Lộc.

Kết thúc trò múa dậm, thầy Độ cùng với thầy chùa nhảy động tác hàn chì trước ban Phật với mục đích bắt quỷ trừ tà, cầu Đức Phật ban cho “Nhân khang vật thịnh”, “mùa màng bội thu”.

- Trò tiến cống: Đây là trò diễn nhằm diễn tả cảnh Triều đình nhà Ngô cử đoàn sứ giả đến triều đình phong kiến nước Nam nộp lễ tiến cống để cầu hòa.

          Khi có hồi trống lệnh đoàn sứ giả nhà Ngô từ đồn Bà Dầu (đồn giặc) tiến về phía khung thành hội. Đi đầu đoàn sứ giả là một người đầu đội nón, mặc áo chàm, mặt bôi nhọ, tay cầm đao khua sang trái, sang phải làm động tác mở đường cho đoàn sứ giả đi. Theo sau là tướng giặc dáng đi nghênh ngang, tay cầm tẩu thuốc đôi lúc đưa tẩu lên miệng hút thuốc phì phèo. Tiếp đến là Thông sự tay chiếc quạt thi thoảng làm động tác phe phẩy. Sau cùng là phụ tá vác đồ tiến cống như lợn gỗ, cá gỗ, khung cửi...

          Đến trước Ban Điện (tại đây đã có người nhập vai vua nước Nam ngồi chờ), tướng giặc Ngô (giọng nói lơ lớ) dâng lễ tiến cống, bẩm báo việc thua trận và xin vua nước Nam cho nối lại tình giao hảo giữa hai dân tộc, chấm dứt chiến tranh… Kết thúc trò diễn, tướng giặc chúc vua nước Nam mạnh khỏe, chúc mùa vụ tốt tươi, bội thu. Sau đó đoàn sứ giả xin phép cáo lui, trở về nước...

- Trò kén rể (trò Sỹ, Nông, Công, Thương): Tiếp theo trò tiến cống là trò kén rể ở trên sàn xá táo, 2 lão làng đóng vai bố làng, mẹ làng, con gái làng, số trai đinh nhập các vai Sỹ, Nông, Công, Thương. Khi có hồi trống, các vai bố làng, mẹ làng, con gái làng từ đồn Bà Dầu đi ra, đi trước là một nhân vật thắt khăn áo chàm, mặt bôi nhọ cầm dao làm trò phát đường, tiếp theo là mẹ làng vác khung cửi, tay cầm lược, Bố làng và con gái làng từ từ đi về phí sàn xá táo thực hiện các động tác kén rể và diễn các trò Sỹ, Nông, Công, Thương. Mục đích cầu cho “Nhân đa vật thịnh”.

          - Kết thúc trò kén rể là trò tái hiện sấm chớp mưa, trò tái hiện nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, trong trò nuôi tằm ông lão đứng trên sàn xá táo vãi kén, cùng lúc mọi người hứng lấy. Từ xưa đã tin rằng, cướp được nong kén sẽ cầu được, ước thấy mọi điều tốt lành, may mắn sẽ đến với mình.

          -  Trò đánh đu

Đây là một trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội, những người đến dự hội đều có thể cùng tham gia trò chơi này. Lên đu có thể là một hoặc hai người, thường là hai người một nam, một nữ. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức từ đôi chân đẩy cho đu bay cao. Người chơi càng nhún mạnh, đu càng bay lên cao... Trò chơi đu yêu cầu người chơi phải có sức khỏe,  bình tĩnh, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu có cảm giác hưng phấn thì có thể điều khiển đu bay lên rất cao. Trò chơi này ngoài tính chất thể thao, giải trí còn là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Qua trò chơi đôi nam nữ còn thể hiện được lòng tin vào bạn chơi, đồng thời thể hiện sự kết hợp nhịp nhàng, đề cao tính đồng đội giữa hai người chơi.

- Biểu diễn Hát chèo

Loại hình nghệ thuật dân gian này thu hút được rất nhiều tầng lớp nhân dân quần chúng tham gia hưởng ứng, cổ vũ. Hát chèo được nhân dân làng Giàng thể hiện sau khi kết thúc các trò chơi, trò diễn của ngày mùng 10 tháng giêng. Đến đêm mùng 10 tháng giêng, tiếng trống chèo làng Giàng trở nên rộn ràng tưng bừng với các vở chèo được lưu truyền dựa vào các tích truyện cổ dân gian, các điển tích, như Vở chèo “Lưu Bình Dương Lễ”, “Vở Trò Kiều”... Các làn điệu hát chèo đan xen với âm thanh trống ban, trống đế, trống chầu, thanh la, phách nhị đã tạo nên không khí náo nhiệt trong đêm hội…

-  Bữa ăn cộng cảm

          4 giờ sáng ngày 11 tháng giêng, 24 lá cờ của 12 dòng họ được đồng loạt hạ xuống. Lúc này các mâm lễ hoa quả của ngày hôm trước vẫn được thắp hương liên tục.

          Lễ bàn giao Cai đám giữa khóa cũ và mới được thực hiện bởi một hội đồng bao gồm: Cai đám cũ, Cai đám mới, Lềnh cả, Hương trưởng, Bàn nhì của 12 dòng họ cùng các lão làng ra Khung thành hội thực hiện các thủ tục cụ thể. Lễ bàn giao gồm có 5 hòm đựng sắc phong, cùng với tàn lọng, quần áo làm trò, chiêng, trống, 8 thanh gươm dùng cho 8 tướng Kim Cương. Sau đó, Cai đám cũ lấy một chiếc chiêng trong hòm đựng sắc phong ra đánh 3 tiếng và nói “Năm ngoái, năm tôi, năm nay, năm người, chúc tụng cho nhân khang vật thịnh, mùa màng bội thu”. Nói xong anh Cai đám mới kiểm nhận số đạo cụ, trang phục do Cai đám cũ bàn giao. Để đón nhận quản lý đồ của làng, anh Cai đám mới chuẩn bị một mâm lễ mặn gồm có: cỗ xôi, con gà, chai rượu dâng lên trước ngai Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh để tạ lễ. Kết thúc hội, Cai đám mới chia lễ cho dân làng lấy một nửa, nửa còn lại cai đám mang về nhà cùng gia đình thụ lộc.

          Sau khi Cai đám hoàn tất việc bàn giao, Lềnh cả, Lềnh hai, 24 ông Hương trưởng, Bàn nhì, thầy chùa, phường kèn, Cai đám cũ, mới cùng các trai đinh rước các ngai và các mâm lễ từ vị trí khung thành hội quay trở về Chùa Sơn Lộc và Nghè Vũ Lôi Quận Công.

Tại Đồn Bà Dầu dân làng chuẩn bị một nồi cháo hoa, rang bỏng thóc (hoa thóc), lấy lá đa ở chùa quấn Mòng mọc, lá đa đựng cháo, vót 100 que đũa dài 40cm. Xong các công việc Thầy chùa  mới ngồi gõ và khấn ”Chúc cho dân làng bình yên khỏe mạnh, mùa màng bội thu....”. Sau đó đồn Bà Dầu, khung thành hội mới được phá bỏ. Các dụng cụ diễn trò như: đe, búa, cày, bừa, cá, lợn, đao gỗ... được để lại ngoài bờ ruộng (không ai được phép đem về nhà). Sau đó ban tổ chức lễ hội và đại diện các gia đình trong thôn cùng đến dự bữa cơm cộng cảm tại sân chùa Sơn Lộc, gia đình nào vì lý do không tham dự được thì cũng được chia phần lộc thánh mang về nhà.

Đến với lễ hội, du khách được trở lại với quá khứ hào hùng của cha ông đánh giặc bảo vệ xóm làng. Các trò diễn dân gian trong lễ hội rất phong phú, phần lớn phản ánh các nghi lễ nông nghiệp, như: trò nhảy dậm, đánh đồn giặc, trò tiến cống, trò kén rể  “Sĩ - Nông - Công - Thương”, trò tái hiện sấm chớp mưa, trò tái hiện nghề trồng lúa nước, trò tái hiện nghề trồng dâu nuôi tằm, trò đánh đu, hát chèo cổ - chứng minh vai trò quan trọng bậc nhất của nền kinh tế nông nghiệp.

 

                    Sưu tầm và biên tập: Hoàng Anh

      Phòng VT&TT

About